EBIT và EBITDA là gì? Cách tính và áp dụng trong đầu tư

Ngày đăng : 01/01/2022

EBITDA và EBIT là gì? Đây là 2 số liệu quan trọng mà nhà đầu tư hay chủ doanh nghiệp phải nắm rõ để đo lường hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp.


EBIT và EBITDA là 2 chỉ tiêu được sử dụng rất nhiều trong phân tích tài chính doanh nghiệp. Đây là 2 chỉ tiêu được rất nhiều nhà phân tích lựa chọn để đo lường hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp. Vậy EBITDA và EBIT là gì? Cách tính và áp dụng đầu tư như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

EBIT là gì?

EBIT là gì?
EBIT là gì?

EBIT (Earnings Before Interest and Tax), hay còn gọi là Lợi nhuận trước lãi vay và thuế.

EBIT là một chỉ tiêu tài chính quan trọng giúp bạn đánh giá lợi nhuận của một doanh nghiệp. Bởi nó nhìn cụ thể vào thu nhập doanh nghiệp tạo ra từ chính hoạt động cốt lõi của mình.

Công thức tính EBIT

Cách tính EBIT trong báo cáo tài chính được tính bằng cách sau đây:

EBIT = Lợi nhuận sau thuế (LNST) + Thuế TNDN + Chi phí lãi vay

Hoặc bạn có thể áp dụng công thức tính EBIT sau:

 EBIT = Lợi nhuận trước thuế (LNTT) + Chi phí lãi vay

Đây là công thức tính EBIT được đa số nhà đầu tư áp dụng.

Việc tính toán chỉ số này khá đơn giản và dễ dàng. Bởi các con số đều đã được thể hiện rõ trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Ví dụ: Tính EBIT của Công ty Cổ phần Nhiệt Điện Phả Lại (PPC) năm 2019

Để tính EBIT năm 2019 của PCC, bạn hãy chú ý khung màu đỏ trên Báo cáo Kết quả Kinh doanh 2019 của PCC trong ảnh bên dưới đây.

Ảnh Báo cáo kết quả kinh doanh 2019 của PPC
Ảnh Báo cáo kết quả kinh doanh 2019 của PPC

Chúng ta sẽ lấy đơn vị tính là tỷ đồng cho dễ nhìn (ở Báo cáo tài chính của PPC đơn vị là VNĐ). Áp dụng công thức tính ta được:

EBIT = LNTT + Chi phí lãi vay = 1,530 tỷ + 12 tỷ = 1,542 tỷ đồng

Như vậy, kết quả năm 2019, PPC có lợi nhuận là 1,542 tỷ đồng sau khi trừ các chi phí hoạt động trong năm.

Ứng dụng của EBIT trong đầu tư

Trong đầu tư, chỉ số EBIT được áp dụng để tính biên lợi nhuận trước lãi vay và thuế, tính toán khả năng thanh toán lãi vay của doanh nghiệp, và định giá doanh nghiệp. Cụ thể:

EBIT margin

EBIT margin hay còn gọi là Biên lợi nhuận trước lãi vay và thuế. Đây là một chỉ tiêu tài chính, biểu thị hiệu quả quản lý các chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể bao gồm: giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng,…

Công thức tính EBIT margin bằng EBIT chia cho doanh thu thuần của doanh nghiệp.

EBIT margin = EBIT / Doanh thu thuần

Từ đó, bạn sẽ biết được 1 đồng doanh thu thuần tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT).

Thông thường, những doanh nghiệp có khả năng kiểm soát chi phí tốt sẽ có EBIT margin cao và được duy trì trong nhiều năm.

Bạn có thể nghiên cứu các doanh nghiệp có chỉ số EBIT margin ổn định, duy trì trên 15%.

Khả năng thanh toán lãi vay

Chỉ số EBIT được áp dụng để tính toán Khả năng thanh toán lãi vay của doanh nghiệp.

Đây là chỉ số tài chính đo lường khả năng sử dụng lợi nhuận thu về từ hoạt động kinh doanh để chi trả lãi vay của doanh nghiệp. Chúng được tính theo công thức sau đây:

Khả năng thanh toán lãi vay = EBIT / Chi phí lãi vay

Chỉ số này càng lớn càng chứng tỏ doanh nghiệp đủ khả năng để chi trả lãi cho các khoản vay. Ngược lại, chỉ số này càng thấp doanh nghiệp khó có thể đảm bảo thanh toán tiền lãi vay đúng hạn.

Chỉ số EV/EBIT

Ngoài 2 ứng dụng kể trên, chỉ số EBIT còn được ứng dụng trong định giá doanh nghiệp. Đó chính là chỉ số EV/EBIT.

Đây là một chỉ số định giá phổ biến, được áp dụng để xác định giá trị doanh nghiệp. Chỉ số EV/EBIT giúp bạn đánh giá cổ phiếu với tư cách là một người đi mua lại doanh nghiệp.

Chỉ số được tính toán theo công thức sau đây:

EV/EBIT = Giá trị doanh nghiệp (EV) / EBIT

(EV là toàn bộ giá trị của doanh nghiệp, không tính đến cơ cấu vốn và không bao gồm tiền mặt).

Giá trị doanh nghiệp (EV) sẽ được tính như sau:

EV = (Giá cổ phiếu x Số lượng cổ phiếu lưu hành) + Vay ngắn hạn và dài hạn + Lợi ích cổ đông thiểu số + Giá trị thị trường của cổ phiếu ưu đãi – Tiền và các khoản tương đương tiền

Chỉ số EV/EBIT được dùng để so sánh toàn bộ giá trị của doanh nghiệp với phần lợi nhuận EBIT thu về hàng năm.

Chỉ số EV/EBIT sẽ cho biết bạn phải thời gian để bù đắp các chi phí từ việc mua lại doanh nghiệp với mức EBIT không đổi là bao lâu.

Nhà đầu tư sẽ so sánh chỉ số EV/EBIT của các doanh nghiệp cùng ngành với nhau, Từ đó quan tâm đến doanh nghiệp có tỷ lệ EV/EBIT thấp hơn.

EBITDA là gì?

Cũng tương tự như EBIT, EBITDA cũng là một chỉ tiêu được sử dụng phổ biến trong phân tích tính hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp.

EBITDA là gì?
EBITDA là gì?

EBITDA là viết tắt của Earnings Before Interest, Tax, Depreciation and Amortization. Người ta còn hay gọi là Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao.

Depreciation: Là các khoản khấu hao của tài sản hữu hình. Cụ thể như: nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dụng cụ,…

Amortization: Là khấu hao của tài sản vô hình. Cụ thể như thương hiệu, bằng sáng chế,…

Chỉ số EBITDA loại bỏ ảnh hưởng từ các quyết định về mặt kế toán, tài chính (cách trích khấu hao) gây ra … giúp bạn tập trung hơn vào lợi nhuận thực tế và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bằng cách tính thêm các yếu tố bổ sung này.

Từ đó, chỉ số EBITDA được áp dụng vào phân tích, so sánh mức lợi nhuận giữa các doanh nghiệp hoặc giữa các ngành.

Công thức tính EBITDA

Cách tính EBITDA dựa theo công thức sau:

EBITDA = LNST + Thuế TNDN + Chi phí lãi vay + Khấu hao

Hoặc bạn có thể tính theo công thức:

EBITDA = EBIT + Khấu hao

Ví dụ: Tính EBITDA năm 2019 của PPC

Như đã hướng dẫn ở trên, bạn có thể dễ dàng tính toán EBIT từ Báo cáo hoạt động kinh doanh.

Với “Khấu hao”, bạn có thể lấy ở 2 nguồn sau đây:

  • Bảng Cân đối kế toán: Ở mục “Khấu hao lũy kế”, lấy năm bạn cần tính trừ đi năm trước đó.
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Mục “Khấu hao” (khung màu đỏ trong ảnh bên dưới).
Ảnh báo cáo chuyển lưu tiền tệ của PCC
Ảnh báo cáo chuyển lưu tiền tệ của PCC

Như vậy ta sẽ có số liệu như sau:

  • Khấu hao: 35 tỷ đồng
  • EBIT (đã tính ở phần trước): 1,542 tỷ đồng

Áp dụng công thức tính EBITDA ta được:

EBITDA = 1,542 tỷ + 35 tỷ = 1,577 tỷ đồng

Như vậy, lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao của PPC năm 2019 là 1,577 tỷ đồng.

Tất nhiên, bạn cần so sánh kết quả giữa các năm để đánh giá đúng hơn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Ứng dụng của EBITDA trong đầu tư

EBITDA margin

Chỉ số EBITDA margin được áp dụng trong phân tích để so sánh doanh nghiệp giữa các năm hoặc giữa các doanh nghiệp khác cùng ngành.

EBITDA margin được tính theo công thức sau:

EBITDA margin = EBITDA / Doanh thu thuần

Bạn có thể tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá các doanh nghiệp có chỉ số EBITDA margin duy trì ổn định ở mức cao.

Chỉ số Nợ vay ròng / EBITDA (Net Debt/EBITDA)

Về cơ bản, chỉ số này sẽ cho bạn biết với mức EBITDA hiện tại, doanh nghiệp mất bao lâu để có thể trả hết nợ? Chúng được tính theo công thức sau:

Nợ vay ròng / EBITDA

Trong đó Nợ vay ròng được tính theo công thức:

Nợ vay ròng = Nợ vay ngắn hạn + Nợ vay dài hạn

Thông thường, tỷ lệ càng thấp càng chứng tỏ doanh nghiệp này không vay nợ quá mức và có đủ khả năng chi trả. Ngược lại, tỷ lệ càng cao, điều đó chứng tỏ doanh nghiệp đang gặp phải gánh nặng về nợ.

Đặc biệt, tỷ lệ này trên 4 hoặc 5 thì nó được xem như 1 lá cờ đỏ cảnh báo nguy hiểm cho các nhà đầu tư.

Lưu ý: Tỷ lệ này có sự khác nhau đáng kể giữa các ngành, bởi mỗi ngành khác nhau sẽ có những yêu cầu về vốn khác nhau. Do đó, chỉ số này nên sử dụng để so sánh các doanh nghiệp cùng ngành.

Chỉ số EV/EBITDA

Đây là một công cụ được sử dụng phổ biến trong việc định giá cổ phiếu.

Và tương tự như EV/EBIT, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những doanh nghiệp có chỉ số EV/EBITDA càng thấp càng tốt. Đặc biệt tránh những cổ phiếu có chỉ số EV/EBITDA quá cao.

Trên đây ThongTinTaiChinh.Net đã chia sẻ những kiến thức cơ bản về EBITDA và EBIT là gì, cách tính và áp dụng trong đầu tư. Hy vọng qua bài viết, bạn đã biết nắm rõ về 2 chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó giúp bạn có cái nhìn chính xác về tiềm năng của doanh nghiệp đó.

TÌM HIỂU THÊM:

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ:

Bài viết liên quan